Đại tư đồ Võ Văn Dũng sinh trưởng tại thôn Phú Lộc, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Ông tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu khởi nghĩa, là người thông minh tài trí lại giỏi võ nghệ nên sớm trở thành một võ tướng kiệt xuất của nhà Tây Sơn.
Năm 1771 đến năm 1785, Võ Văn Dũng tham gia cùng quân Tây Sơn giải phóng phủ thành Quy Nhơn, bốn lần vào Gia Định dẹp loạn chúa Nguyễn ở Đàng Trong và đánh tan hơn năm vạn liên quân Xiêm - Nguyễn trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Năm 1786, ông cùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm.
Năm 1789, sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ông được Hoàng đế Quang Trung cử đi sứ, thiết lập bang giao hòa hiếu với nhà Thanh. Năm 1791, ông giữ chức Chiêu viễn Đại đô đốc, tước Võ Quốc công; năm 1792, tham gia đoàn sứ bộ sang triều kiến vua nhà Thanh. Năm 1795, vua Cảnh Thịnh phong ông chức Đại tư đồ. Năm 1800-1801, ông cùng với Thiếu phó Trần Quang Diệu chỉ huy quân Tây Sơn bao vây và đánh lấy lại thành Bình Định từ quân Nguyễn…
Võ Văn Dũng là một trong "thất hổ tướng", "tứ trụ đại thần" của triều Tây Sơn, ông được sự ngưỡng mộ và đầy lòng tôn kính của nhân dân. Sau khi ông mất, con cháu thờ phụng ông tại từ đường họ Võ ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng từ đường họ Võ là di tích lịch sử quốc gia.